Tìm hiểu chuẩn mực của ngành quản trị nhân sự
Như vậy, nhà quản trị nhân sự ngày nay không còn là người chỉ lo chuyên về tuyển dụng, hành chính, phúc lợi, xếp loại lương cho nhân viên, mà trở thành một phần quan
Sự phát triển của thương mại tự do cùng việc mở rộng của các công ty xuyên quốc gia trong thời gian này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần có một cái nhìn mới về công việc quản trị nhân sự.
Chân dung nhà quản trị nhân sự mới được đưa ra trong hội thảo quốc tế “Hướng đến chuẩn mực toàn cầu cho nghề quản trị nhân sự tại Việt Nam” vào đầu tháng 8 vừa qua. Theo đó, người làm nhân sự không đơn thuần chỉ gồm các nhiệm vụ: tuân thủ theo các quy định, luật lệ, giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và nâng cao năng suất lao động đồng thời giảm chi phí như trước đây.
Với kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ (SHRM) về chân dung mới của nghề nhân sự trong thế kỷ XXI kể từ năm 2011 – 2014, quản trị nhân sự đóng vai trò kiến tạo sự thay đổi, đem lại nguồn sức mạnh bền vững, tạo ra những giá trị toàn cầu với các nhiệm vụ: giữ chân và tưởng thưởng người tài, phát triển đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm và xây dựng văn hóa doanh nghiệp để có khả năng thu hút nhân tài.
Việc lập kế hoạch về nguồn nhân lực giúp cho doanh nghiệp thực hiện bố trí nhân lực một cách hiệu quả, bảo đảm đúng người đúng việc, có thể đối phó linh hoạt với những thay đổi trên thị trường, đồng thời giải quyết các vấn đề mà người lao động quan tâm như: lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, được đào tạo nhiều hơn.
Trong kế hoạch về nhân sự, nội dung về xây dựng đội ngũ kế thừa là một phần vô cùng quan trọng vì thông qua kế hoạch này, doanh nghiệp có thể xác định được nhu cầu về con người, đặc biệt là những vị trí chủ chốt để sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú ý phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trong khi việc này cần phải thực hiện đồng thời với kế hoạch phát triển nhân sự kế thừa mới đạt hiệu quả như mong đợi. Mặt khác, việc tưởng thưởng xứng đáng để khích lệ, giữ chân người tài cũng rất quan trọng trong quá trình xây dựng đội ngũ kế thừa.
Có mặt trong buổi hội thảo, ông Howard Wallack – Phó chủ tịch SHRM, người có 25 năm kinh nghiệm làm quản trị nhân sự và từng làm việc với giới nhân sự của 91 quốc gia trên thế giới, đã nhấn mạnh vai trò của những nhà quản trị nhân sự trong việc kiến tạo văn hóa cho doanh nghiệp.
Ông cho rằng văn hóa doanh nghiệp vốn có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi công ty. Trong giai đoạn hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa và sự giao thoa giữa các nền văn hóa đang diễn ra với tốc độ ngày càng cao thì văn hóa doanh nghiệp càng cần được chú trọng xây dựng và phát triển.
Một lực lượng lao động đa dạng về văn hóa với nhiều giải pháp sáng tạo sẽ là một lợi thế cho sự phát triển cả doanh nghiệp nhưng cũng là thách thức đối với nhà quản trị nhân sự. Đối với một lực lượng lao động đến từ nhiều quốc gia, làm thế nào để tận dụng lợi thế của sự khác biệt văn hóa, định hướng chức năng nhân sự theo chiến lược và văn hóa chung của doanh nghiệp đồng thời giảm thiểu ma sát, xung đột văn hóa?
Theo ông Howard Wallack, những yêu cầu cần thiết để quản trị nhân sự đạt hiệu quả cao trong môi trường toàn cầu và đa văn hóa là: (1) Khả năng biết trân trọng con người và cân nhắc góc nhìn đa dạng, toàn cầu; (2) Có sự đồng cảm với hoàn cảnh, tâm lý của từng nhân viên, dễ dàng đón nhận những quan điểm khác biệt cũng như những trải nghiệm mới; (3) Nhận thức và tôn trọng văn hóa của từng quốc gia.
Muốn như vậy, quản trị nhân sự thời hiện đại phải biết học hỏi, lắng nghe, thậm chí không ngại mạo hiểm để hiểu hơn về nguồn nhân lực của mình. Đó không đơn thuần chỉ là học thêm ngôn ngữ khác mà còn bao gồm cả việc học hỏi về bối cảnh thương mại, kinh tế, chính trị, thể thao, nghệ thuật, văn học, âm nhạc của địa phương khác.
Người làm nhân sự phải hiểu và hòa nhập văn hóa, phong tục cũng như ý niệm thời gian ở những địa phương khác nhau để giao tiếp, tổ chức, xử lý công việc phù hợp và hiệu quả. Họ còn phải dành thời gian ra khỏi thành phố lớn mình đang sống để khám phá những thị trấn nhỏ, và các khu ngoại ô, ăn trưa với món ăn bản xứ theo giờ giấc địa phương mới hiểu được nhiều hoàn cảnh đời sống từng nhân viên của mình để hiểu và chia sẻ với họ.
Những ứng xử văn hóa khác như cách thức chào hỏi, tặng quà, sử dụng óc hài hước một cách hiệu quả… giúp cho việc quản trị nhân sự đạt hiệu quả hơn.
Như vậy, nhà quản trị nhân sự ngày nay không còn là người chỉ lo chuyên về tuyển dụng, hành chính, phúc lợi, xếp loại lương cho nhân viên, mà trở thành một phần quan trọng của bộ mặt doanh nghiệp, là cầu nối giữa chiến lược và đội ngũ và là người phát triển sức mạnh đội ngũ, kiến tạo văn hóa của doanh nghiệp, tổ chức…
Để làm được điều này, giới nhân sự cần trang bị cho bản thân những kiến thức và năng lực mới theo chuẩn mực toàn cầu, từ đó chủ động đưa ra những chiến lược tìm kiếm, phát triển và giữ chân người tài thành đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm cho doanh nghiệp trong tương lai.
Leave a Reply